Hợp Pháp Hóa Lãnh Sự – Những điều cần lưu ý

Hợp Pháp Hóa Lãnh Sự - Những điều cần lưu ý

Trong thời gian gần đây, sự gia tăng của các hoạt động xuất khẩu lao động, du học, tuyển dụng lao động nước ngoài đã khiến dịch vụ hợp pháp hóa lãnh sự trở nên quen thuộc hơn với người dân Việt Nam. Tuy nhiên, nếu đây là lần đầu tiên bạn nghe thấy cụm từ này thì cũng đừng lo lắng. Bài viết dưới đây của Panvisa sẽ cung cấp cho bạn một cái nhìn đầy đủ nhất về thủ tục hợp pháp hóa lãnh sự.

Hợp pháp hóa lãnh sự là gì?

Hợp pháp hóa lãnh sự hay còn được biết đến với cái tên Legalization là một thủ tục hành chính mà trong đó cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam sẽ chứng nhận chữ ký, con dấu, chức danh trên giấy tờ, văn bản do nước ngoài cấp để tài liệu đó được công nhận và sử dụng hợp pháp tại Việt Nam.

Một mẫu đơn đã được hợp pháp hóa lãnh sự 
Một mẫu đơn đã được hợp pháp hóa lãnh sự

Ví dụ: một công dân Hoa Kỳ muốn sử dụng giấy tờ báo cáo tài chính khi tạm trú ở Việt Nam, thì người đó phải xin được xác nhận hợp pháp hóa lãnh sự của cơ quan Việt Nam, mới có thể sử dụng giấy tờ đó một cách hợp pháp.

Như vậy:

  • Mục đích chính của việc chứng nhận lãnh sự hoặc hợp pháp hóa lãnh sự là xác nhận giá trị của một văn bản do một quốc gia cấp.
  • Việc chứng nhận lãnh sự, hợp pháp hóa lãnh sự giúp chứng minh giấy tờ đó là thật, không bị làm giả.

Phân biệt Hợp pháp hóa lãnh sự và Apostille 

Nhiều người hay bị nhầm giữa định nghĩa Apostille và Legalization. Tuy có chức năng tương tự nhau nhưng Apostille chỉ có tác dụng trong các quốc gia là thành viên của Công ước LaHay (Hague/Apostille). Tính đến thời điểm hiện tại (tháng 6 năm 2023), Việt Nam không phải thành viên của Công ước LaHay, do đó các giấy tờ được cấp bởi cơ quan Việt Nam sử dụng tại nước ngoài hay giấy tờ của cơ quan nước ngoài sử dụng tại Việt Nam đều được yêu cầu hợp pháp hóa lãnh sự đầy đủ hoặc theo thỏa thuận pháp luật của Việt Nam và quốc gia có liên quan.

Xem thêm: Apostille là gì? Apostille có gì khác Legalization

Phân biệt Hợp pháp hóa lãnh sự và Chứng nhận lãnh sự

Hai quy trình này giống nhau ở chỗ: việc chứng nhận chữ ký, con dấu và chức danh trên giấy tờ đều do cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam thực hiện. Tuy nhiên, chứng nhận lãnh sự và hợp pháp hóa lãnh sự khác nhau ở điểm:

  • Chứng nhận lãnh sự: chứng nhận giấy tờ do Việt Nam cấp để được công nhận và sử dụng ở nước ngoài.
  • Hợp pháp hóa lãnh sự: chứng nhận giấy tờ do nước ngoài cấp để được công nhận và sử dụng tại Việt Nam.

Giấy tờ không được hợp pháp hóa lãnh sự?

  • Giấy tờ, tài liệu bị sửa chữa, tẩy xóa nhưng không được đính chính theo quy định pháp luật.
  • Giấy tờ, tài liệu có các chi tiết mâu thuẫn với nhau hoặc mâu thuẫn với giấy tờ, tài liệu khác trong hồ sơ đề nghị chứng nhận lãnh sự, hợp pháp hóa lãnh sự.
  • Giấy tờ tài liệu giả mạo hoặc được cấp, chứng nhận sai thẩm quyền theo quy định của pháp luật.
  • Giấy tờ, tài liệu có chữ ký, con dấu không phải là chữ ký gốc, con dấu gốc đồng thời có con dấu và chữ ký không được đóng trực tiếp và ký trực tiếp trên giấy tờ, tài liệu. Con dấu, chữ ký sao chụp dưới mọi hình thức đều không được coi là con dấu gốc, chữ ký gốc.
  • Giấy tờ, tài liệu có nội dung xâm phạm quyền và lợi ích của Nhà nước Việt Nam, không phù hợp với chủ trương, chính sách của Nhà nước Việt Nam hoặc các trường hợp khác có thể gây bất lợi cho Nhà nước Việt Nam.

Các loại giấy tờ không cần hợp pháp hóa lãnh sự

  • Giấy tờ, tài liệu được miễn chứng nhận lãnh sự, hợp pháp hóa lãnh sự theo điều ước quốc tế mà Việt Nam và nước ngoài liên quan đều là thành viên, hoặc theo nguyên tắc có đi có lại.
  • Giấy tờ, tài liệu được chuyển giao trực tiếp hoặc qua đường ngoại giao giữa cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam và cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài.
  • Giấy tờ, tài liệu được miễn chứng nhận lãnh sự, hợp pháp hóa lãnh sự theo quy định của pháp luật Việt Nam.
  • Giấy tờ, tài liệu mà cơ quan tiếp nhận của Việt Nam hoặc của nước ngoài không yêu cầu phải hợp pháp hóa lãnh sự, chứng nhận lãnh sự phù hợp với quy định pháp luật tương ứng của Việt Nam hoặc của nước ngoài.

Thủ tục hợp pháp hóa lãnh sự tại Việt Nam

Người thực hiện hợp pháp hóa lãnh sự có thể lựa chọn thực hiện thủ tục hợp pháp hóa lãnh sự tại Bộ Ngoại giao hoặc Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài.

Bước 1: Nộp hồ sơ

Người cần thực hiện hợp pháp hóa lãnh sự nộp hồ sơ tại Bộ Ngoại giao hoặc Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài.

Hồ sơ hợp pháp hóa lãnh sự tại Bộ Ngoại giao gồm:

+ 01 Tờ khai hợp pháp hóa lãnh sự theo mẫu quy định;

+ Xuất trình bản chính giấy tờ tùy thân đối với trường hợp nộp hồ sơ trực tiếp;

+ 01 bản chụp giấy tờ tùy thân đối với trường hợp nộp hồ sơ qua đường bưu điện;

+ Giấy tờ, tài liệu đề nghị được hợp pháp hóa lãnh sự, đã được cơ quan đại diện ngoại giao, cơ quan lãnh sự hoặc cơ quan khác được ủy quyền thực hiện chức năng lãnh sự của nước ngoài chứng nhận;

+ 01 bản dịch giấy tờ, tài liệu đề nghị được hợp pháp hóa lãnh sự sang tiếng Việt hoặc tiếng Anh, nếu giấy tờ, tài liệu đó không được lập bằng các thứ tiếng trên;

+ 01 bản chụp các giấy tờ, tài liệu nêu tại điểm d và điểm đ Điều 14 Nghị định 111/2011/NĐ-CP để lưu tại Bộ Ngoại giao.

+ Trường hợp hồ sơ đề nghị chứng nhận lãnh sự, hợp pháp hóa lãnh sự được gửi qua đường bưu điện theo quy định tại khoản 2 Điều 6 Nghị định 111/2011/NĐ-CP thì phải kèm theo phong bì có ghi rõ địa chỉ người nhận.

Các thủ tục hợp pháp hóa lãnh sự
Các thủ tục hợp pháp hóa lãnh sự

Hồ sơ hợp pháp hóa lãnh sự tại Cơ quan đại diện gồm:

+ 01 Tờ khai hợp pháp hóa lãnh sự theo mẫu quy định;

+ Xuất trình bản chính giấy tờ tùy thân đối với trường hợp nộp hồ sơ trực tiếp;

+ 01 bản chụp giấy tờ tùy thân đối với trường hợp nộp hồ sơ qua đường bưu điện;

+ Giấy tờ, tài liệu đề nghị được hợp pháp hóa lãnh sự, đã được chứng nhận bởi Bộ Ngoại giao hoặc cơ quan có thẩm quyền khác của nước ngoài nơi có Cơ quan đại diện Việt Nam hoặc Cơ quan đại diện Việt Nam kiêm nhiệm;

+ 01 bản dịch giấy tờ, tài liệu đề nghị được hợp pháp hóa lãnh sự sang tiếng Việt, tiếng Anh hoặc tiếng nước ngoài mà cán bộ tiếp nhận hồ sơ có thể hiểu được, nếu giấy tờ, tài liệu đó không được lập bằng các thứ tiếng trên;

+ 01 bản chụp các giấy tờ, tài liệu nêu tại điểm d và điểm đ  Điều 15 Nghị định 111/2011/NĐ-CP để lưu tại Cơ quan đại diện.

+ Trường hợp hồ sơ đề nghị chứng nhận lãnh sự, hợp pháp hóa lãnh sự được gửi qua đường bưu điện theo quy định tại khoản 2 Điều 6 Nghị định 111/2011/NĐ-CP thì phải kèm theo phong bì có ghi rõ địa chỉ người nhận.

Bước 2: Tiếp nhận hồ sơ

Các cán bộ tiếp nhận hồ sơ cần hợp pháp hóa lãnh sự
Các cán bộ tiếp nhận hồ sơ cần hợp pháp hóa lãnh sự

– Cán bộ tiếp nhận hồ sơ yêu cầu người đề nghị hợp pháp hóa lãnh sự xuất trình bổ sung bản chính giấy tờ, tài liệu có liên quan và nộp 01 bản chụp giấy tờ, tài liệu để lưu tại Bộ Ngoại giao hoặc Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài.

–  Đối chiếu con dấu, chữ ký và chức danh trong chứng nhận của cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài trên giấy tờ, tài liệu với mẫu con dấu, mẫu chữ ký và chức danh đã được nước đó chính thức thông báo cho Bộ Ngoại giao hoặc Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài.

–  Trường hợp mẫu chữ ký, mẫu con dấu và chức danh của cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài chưa được chính thức thông báo hoặc cần kiểm tra tính xác thực, Bộ Ngoại giao hoặc Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài đề nghị cơ quan này xác minh.

Bước 3: Trả kết quả

Sau khi nhận đủ hồ sơ, Bộ Ngoại giao hoặc Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài thực hiện hợp pháp hóa lãnh sự cho hồ sơ này.

*Thời hạn giải quyết là 01 ngày làm việc, kể từ ngày nhận đầy đủ hồ sơ.

Trường hợp hồ sơ có số lượng từ 10 giấy tờ, tài liệu trở lên thì thời hạn giải quyết có thể dài hơn nhưng không quá 05 ngày làm việc.

Trên đây là những thông tin hữu ích về thủ tục hợp pháp hóa lãnh sự. Mong rằng bài viết này của Panvisa đã giải đáp hết những thắc mắc của bạn.

—————————————————— 

PAN AMERICAN TRAVEL – DU LỊCH CHÂU MỸ 

🏢 15 Vạn Phúc, Kim Mã, Ba Đình, Hà Nội. 

🏢 233 Đồng Khởi, Phường Bến Nghé, Quận 1, Tp.Hồ Chí Minh. 

☎️ 1800 282811 | 024 7308 8899